Nâng mũi cấu trúc kín

Nâng mũi cấu trúc kín là kỹ thuật nâng mũi độc quyền của TS.BS.CK2 Phạm Văn Đôi đây là nâng mũi cấu trúc (chúng tôi dùng từ gọi đơn giản của nâng mũi tái cấu trúc phổ biến hiện tại với đường mổ qua trụ mũi) mà đường mổ không cắt qua trụ mũi kèm kéo dài trụ mũi.

NÂNG MŨI CẤU TRÚC KÍN
1. NÂNG MŨI CẤU TRÚC KÍN LÀ GÌ?
- Nâng mũi cấu trúc kín là nâng mũi cấu trúc (chúng tôi dùng từ gọi đơn giản của nâng mũi tái cấu trúc phổ biến hiện tại với đường mổ qua trụ mũi) mà đường mổ không cắt qua trụ mũi kèm kéo dài trụ mũi.
2. SƠ NÉT LỊCH SỬ NÂNG MŨI NGƯỜI CHÂU Á
Mũi người Châu Á (cụ thể Đông Á, Đông Nam Á) là sống mũi thấp, đầu mũi bè ngược lại với mũi của người Âu Mỹ.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, do ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,… Những người bản địa muốn có nét Tây hóa trên khuôn mặt để tạo mối quan hệ tốt hơn khi làm việc với người Phương Tây. Những phụ nữ có chồng hay nhân tình là lính Mỹ cũng muốn phẫu thuật thay đổi khuôn mặt Tây hóa.

  • Năm 1946, Millard là bác sĩ trưởng của quân đội Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc lần đầu tiên nâng mũi bằng sụn sườn đồng loại cho các bệnh nhân người Hàn quốc.
  • Năm 1964 bác sĩ Singapore Khoo Boo-Chai mô tả chi tiết kỹ thuật nâng mũi người Châu Á bằng Silicon. Hình dạng vật liệu (implant) nâng mũi thông dụng lúc bấy giờ cho đến những năm 1970 là chữ L. Cho đến ngày nay, chất lượng silicon càng cải thiện với sự mềm dẻo và "thuần" hơn, tỉ lệ phản ứng của cơ thể giảm thấp.
  • Trong những năm 1980 bác sĩ đắp sụn vành tai lên trên vật liệu Silicon ở đầu mũi để giảm lộ vật liệu cũng như biến chứng trồi ra da. Kỹ thuật này gọi là nâng mũi 1 khối.
  • Từ những năm 1980 đến những năm 1990 hình dạng vật liệu đổi chữ L thành chữ I chiếm ưu thế. Nâng mũi bằng vật liệu có đắp sụn tai còn gọi mũi bọc sụn.
  • Những năm 2000 kỹ thuật nâng mũi 2 khối bao gồm vật liệu nhân tạo thẳng ở sống mũi, dựng trụ mũi và ghép sụn đầu mũi để tăng độ nhô.
  • Năm 1997 Byrd giới thiệu kỹ thuật ghép sụn mở rộng vách ngăn nhằm kéo dài mũi ngắn, tăng độ nhô và định dạng lại đầu mũi. Từ đây, nâng mũi tái cấu trúc ra đời và phát triển nhanh chóng, phổ biến những năm 2000 cho đến hiện nay.

Như vậy do những biến chứng của vật liệu silicon nguyên 1 khối (sống mũi, đầu mũi, trụ mũi) nên ngày nay các bác sĩ thẩm mỹ trên thế giới chia thành 2 khối riêng biệt (nâng sống mũi bằng vật liệu nhân tạo hay tự thân) và tạo hình đầu mũi (bằng cách ghép sụn mở rộng vách ngăn, dựng trụ, có thể ghép sụn đầu mũi…) để kéo dài mũi, tăng độ cao đầu mũi, tạo đầu mũi hài hòa... Kỷ thuật tạo hình đầu mũi được nhiều bác sĩ ứng dụng, cải tiến và ngày càng hoàn thiện.
3. MŨI CẤU TRÚC DÙNG VẬT LIỆU GÌ?
3.1. Vật liệu nâng sống mũi
Vật liệu được sử dụng nâng sống mũi cho đến ngày nay chủ yếu:

  • Nhân tạo
  • Silicon dẽo: chất liệu đàn hồi, dễ gọt, không bị hấp thu và biến dạng, là vật liệu tạo dáng mũi đẹp nhất trong các loại vật liệu. Đây là vật liệu thông dụng nhất và giá thành thấp. Silicon tạo thành vỏ bao và mô cơ thể không phát triển bên trong vật liệu nên dễ dàng lấy bỏ và cũng dễ di lệch hơn Gore-Tex. Do vi trùng không bám vào bên trong nên dễ khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn.
  • ePTFE (Expanded Polytetrafluoroethylene) tên sản phẩm Gore- Tex, Surgiform: là implant xốp phổ biến sau silicon, gồm các phân tử các bon và flo với nhiều lổ siêu nhỏ, cho phép mô liên kết như nguyên bào sợi, mạch máu và collagen phát triển bên trong. Lợi điểm là ít tạo bao xơ, khó di lệch, khó nhìn thấy implant bên trong đối với da mũi mỏng. Bất lợi là giảm thể tích implant sau khi đặt, rất khó lấy ra nếu có biến chứng và giá thành đắt hơn Silicon.
  • Tự thân
  • Sụn: chủ yếu là sụn sườn, nguyên khối hoặc cắt lát mỏng.
  • Trung bì - mỡ: thường lấy sau mông để giấu sẹo.
  • Cân bọc sụn: thường dùng cân da đầu bọc lại sụn cắt nhuyễn.

3.2. Tạo hình đầu mũi

  • Nhân tạo
  • Medpor (Polyethylene)
  • PCL
  • Tự thân
  • Sụn: sụn vách ngăn, sụn tai hoặc sụn sườn
  • Có thể kết hợp cả 2 loại trên

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng mảnh ghép đồng loại như sụn sườn người chết đã qua xử lý; ADM (acellular dermal matrix) như Megaderm là da người chết lấy bỏ lớp thượng bì và các tế bào lớp trung bì.
4. SỰ KHÁC NHAU GIỮA NÂNG MŨI KÍN & NÂNG MŨI CẤU TRÚC KÍN
Ngoại trừ đường mổ qua miệng ít sử dụng, đường mổ nâng mũi chia 2 loại:

  • Mổ kín: đường mổ bên trong lổ mũi, 1 bên hoặc 2 bên, sẹo lành bên trong
  • Mổ hở: đường mổ bên trong 2 bên với đường mổ qua trụ mũi. Đường mổ qua trụ mũi dạng chữ Z, chữ W, chữ V và chữ V ngược (đường mổ này thông dụng nhất).

Nâng mũi kín & nâng mũi cấu trúc kín giống nhau là đường mổ không cắt qua trụ mũi; nhưng khác nhau là nâng mũi kín chỉ tách và đặt implant (có hoặc không bọc sụn đầu mũi) hoặc có thể dựng trụ mũi, ghép sụn đầu mũi; còn NÂNG MŨI CẤU TRÚC KÍN có tạo hình đầu mũi như ghép mở rộng vách ngăn, dựng trụ… kèm kéo dài trụ mũi).
5. CHỈ ĐỊNH

  • Áp dụng cho mũi mới hoặc mũi sửa lại:
  • Trụ mũi ngắn (tỉ lệ vàng trụ mũi bằng 2/3 chiều cao từ chân trụ mũi đến đỉnh mũi).
  • Giảm áp lực đầu mũi do da vùng này mỏng hay căng khi kéo giãn
  • Khách hàng không muốn đường mổ qua trụ mũi

6. ƯU ĐIỂM NÂNG MŨI CẤU TRÚC KÍN
Phương pháp mổ mũi cấu trúc tùy theo các bác sĩ sử dụng vật liệu và kỹ thuật kéo dài vách ngăn, dựng trụ mũi… mà đầu mũi mềm dẻo (có thể dùng tay lắc qua lại được) hay cứng nhắc, phương pháp của chúng tôi là mềm dẻo. Nâng mũi cấu trúc kín có một số ưu điểm sau:

  • Không gây sẹo ngang trụ mũi (lựa chọn tốt đối với cơ địa sẹo lồi)
  • Không tổn thương động mạch nuôi da trụ mũi nên tránh bị hoại tử da trụ mũi khi cắt lọc mô đầu mũi nhiều)
  • Kéo dài chân mũi ngắn bẩm sinh hay mắc phải (chấn thương, sẹo co rút). Điều này càng gần tỉ lệ vàng hơn, thường người Châu Á < tỉ lệ này hoặc bằng 1/2.
  • Bổ sung da đầu mũi do thiếu da bẩm sinh hay mắc phải (chấn thương, sẹo co rút, nâng đầu mũi quá cao).
  • Tạo góc mũi môi chuẩn từ 90 - 120 độ ( người Châu Á thường góc nhọn).
  • Làm rộng lỗ mũi bị hẹp do chấn thương hay sau phẫu thuật cắt cánh mũi quá mức
  • Thay đổi trục lỗ mũi theo hướng tự nhiên hơn.

7. HẠN CHẾ

  •  Kỹ thuật mổ khó hơn do phẫu trường hẹp hơn, nên cần dụng cụ chuyên biệt phù hợp và đòi hỏi phẫu thuật viên cũng như ekip mổ phải có tay nghề và kinh nghiệm.
  • Phải điều chỉnh trụ mũi cân đối để tránh lệch trụ mũi, không đều 2 lỗ mũi. Đây là yêu cầu chung đối với mọi phẫu thuật nâng mũi cấu trúc. Cần chú ý các trường hợp biến dạng trước mổ.
  • Lỗ mũi có thể cao hơn, thường chỉ ảnh hưởng đối với bệnh nhân lỗ mũi rộng từ trước. Trong trường hợp này phải thu nhỏ cánh mũi kèm theo, có thể mổ đồng thời hay sau này.

8. KẾT LUẬN
Nâng mũi cấu trúc kín là cải tiến của nâng mũi cấu trúc đang phổ biến hiện nay nhằm kéo dài trụ mũi về tỉ lệ vàng và không sẹo, đồng thời giảm áp lực đầu mũi. 

Tác giả: TS. BS. CK2. Phạm Văn Đôi
- Trưởng BM PTTH thẩm mỹ- Khoa Y Dược - ĐH Đà Nẵng
- Trưởng khoa PTTHTM- Đại học Đà Nẵng

Bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Đà Nẵng

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn